Nhãn hiệu hàng hóa cho lúa gạo phải theo chuẩn chất lượng cao, phát thải thấp

0
6

Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao), thời gian qua Bộ NN-PTNT đã tăng cường tổ chức khảo sát thực địa các mô hình sản xuất lúa tiên tiến tại một số địa phương vùng ĐBSCL.

Ngày 26/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã đến thăm mô hình sản xuất lúa an toàn thuộc Dự án sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa thơm ST24, ST25 vụ đông xuân 2023 – 2024.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thăm mô hình sản xuất lúa an toàn thuộc Dự án sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa thơm ST24, ST25 vụ đông xuân 2023 – 2024 triển khai tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình do Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí thực hiện trên quy mô 500ha, tại các xã Tân Long, Long Bình, Vĩnh Quới, phường 2 và phường 3.

Theo ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, địa phương hiện có 70 trạm bơm đảm bảo tưới tiêu cho trên 11.530ha, chiếm khoảng 61% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn thị xã. Ngoài ra, trên 50% rơm rạ trên đồng ruộng được thu gom bán ra ngoài địa bàn hoặc sản xuất nấm rơm.

Bên cạnh đó, khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, địa phương phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ về vật tư phân bón hữu cơ cho bà con nông dân.

Với những nền tảng này, ông Phong tin tưởng, thị xã Ngã Năm sẽ thực hiện hiệu quả 15.000ha sản xuất lúa chất lượng cao như mục tiêu đăng ký với Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Trao đổi với bà con nông dân trong Tổ hợp tác Lê Minh Tấn ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Quới, đang canh tác 80ha trong Mô hình sản xuất lúa an toàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, bà con rất đồng tình thực hiện theo quy trình canh tác giảm phát thải. Từng thửa ruộng, canh tác đúng thời vụ, bà con cũng biết cách đảm bảo rút nước kịp thời, không ứ đọng trên cánh đồng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi, tìm hiểu về quy trình canh tác lúa an toàn với bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Hay quá trình thu gom rơm rạ sau khi thu hoạch cũng được nông dân địa phương sử dụng để làm nấm rơm, làm phân bón hữu cơ hay cuộn lại để bán. Chứng minh đầu ra sản phẩm rơm rạ rất hiệu quả, tính khả thi cao.

Tổng quan về các mô hình canh tác lúa tiên tiến khảo sát thời gian qua đều cho thấy tính hiệu quả. Trên cơ sở đó, các ngành chuyên môn sẽ nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai đồng bộ đề án thời gian tới.

Thông tin quan trọng được Thứ trưởng Nam đưa ra là việc triển khai nhãn hiệu hàng hóa cho lúa gạo giảm phát thải. Đây chính là yếu tố chính để nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam.

“Việc đo đếm để chi trả tín chỉ các bon trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ là một phần để công nhận lúa nông dân sản xuất ra đạt tiêu chuẩn giảm phát thải. Yếu tố quan trọng hơn là vấn đề nhãn hiệu hàng hóa”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho lúa gạo Việt Nam hướng đến đạt chuẩn chất lượng cao, phát thải thấp.

Trong đó, thương hiệu Gạo Ông Cua ST25 của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã được thế giới công nhận là gạo ngon nhất. Đây là điều kiện để doanh nghiệp hướng đến xây dựng nhãn hiệu gạo quốc gia ở miền Nam.

Nông dân xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm hào hứng tham gia mô hình sản xuất lúa an toàn, giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.

Nhấn mạnh giảm phát thải khí nhà kính là xu thế trong giai đoạn hiện nay, kỹ sư Hồ Quang Cua cho hay, từ lâu doanh nghiệp đã xây dựng các quy trình, giải pháp để cây lúa trên đồng giảm phát thải.

Hiện nay thương hiệu Gạo Ông Cua đã được bảo hộ tại nhiều thị trường trên thế giới như Anh, EU, Trung Quốc, Hong Kong, Úc, Mỹ…, đó là quá trình doanh nghiệp vừa xây, vừa đắp. Việc xây dựng nhãn hiệu gạo quốc gia là nền tảng để doanh nghiệp tham gia vào hành trình tìm ra thương hiệu gạo của quốc gia.

Thị xã Ngã Năm là một trong 4 huyện, thị vùng trũng, tiếp giáp phân ranh mặn – ngọt, trọng điểm sản xuất lúa gạo của tỉnh Sóc Trăng. Diện tích sản xuất lúa vụ đông xuân 2023 – 2024 của địa phương là 18.500ha, trong đó, lúa đặc sản, lúa thơm, chất lượng cao chiếm trên 99%.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận