Sáng 28/2, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
TS Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế NN-PTNT Việt Nam chia sẻ, năm 2023, mặc dù hoạt động của Hội đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, khối lượng công việc lớn nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, Hội đã từng bước vượt qua và khẳng định được vai trò quan trọng của mình.
Có thể kể đến, Hội đã triển khai nhiều hoạt động về kiện toàn tổ chức và công tác chuyên môn. Đến hết tháng 12/2023, Hội có 207 hội viên, trong đó có 31 hội viên là giáo sư, phó giáo sư (chiếm 17,9%); 55 hội viên tiến sĩ (28,3%), còn lại là thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân (53,7%).
Hội đã phối hợp với trường Đại học Lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp, Ban Quản lý Dự án lâm nghiệp, Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo “Góp ý Luật Đất đai sửa đổi trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp”. Bên cạnh đó, xuất bản cuốn tài liệu “Góp ý Luật Đất đai sửa đổi trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp”.
Ngoài ra, tham gia nhiều Hội thảo của Ban Kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… về Luật Đất đai sửa đổi, Nghị quyết 13 về bảo vệ rừng, Luật Hợp tác xã, Nghị định về cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định 57/NĐ-CP); Hội thảo APEC về thúc đẩy sự tham gia của nông dân tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Hội thảo nguồn lực tài chính cho ứng phó và khắc phục tổn thất tài chính do thảm họa thiên tai…
Tham gia trực tiếp tư vấn và phối hợp nghiên cứu khả thi dự án mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2023 – 2025 theo Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP ngày 14/4/2023 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025 (đợt 2).
Về hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia đề xuất với UNDP dự án “Xây dựng thị trường tín chỉ các bon rừng ở vùng Tây Nguyên”; tham gia đề xuất với Đại sứ quán Canada dự án “Tăng cường tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế bền vững ở vùng dân tộc và miền núi”.
Đặc biệt, Đặc san “Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn” của Hội được cấp phép hoạt động với 4 số/năm. Mỗi số có 60 trang và được phép in 1.000 bản. Thường vụ hội đã quyết định thành lập Ban Biên tập và Ban Cố vấn để xây dựng đặc san; phân công ông Nguyễn Mạnh Thường, nguyên Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam làm Trưởng Ban Biên tập. Nội dung Đặc san tập trung giới thiệu về Hội Khoa học kinh tế NN-PTNT Việt Nam, sứ mệnh, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; diễn đàn khoa học kinh tế nông nghiệp; diễn đàn kinh tế nông nghiệp; thông tin sản phẩm và thương hiệu; doanh nghiệp nông nghiệp…
Trên cơ sở đó, năm 2024, Hội tiếp tục tham gia nghiên cứu cơ chế, chính sách, cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn bền vững như chuyển đổi số; phát triển chuỗi giá trị kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản; tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, HTX góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trong phạm vi cả nước…
Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chăm lo quyền lợi và lợi ích chính đáng của hội viên; tổ chức các hoạt động khoa học về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn; hoạt động dịch vụ tư vấn khoa học; hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và điều lệ, quy chế, quy định của Hội; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.