Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới lượng bò Úc được tiêu thụ rất lớn và có giá trị cao, vậy nên nhiều hộ nông dân hiện nay đã lựa chọn phát triển mô hình chăn nuôi bò úc. Vậy kỹ thuật nuôi bò úc có gì đặc biệt, cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn bạn nhé.
1. Giới thiệu về bò úc
Bò úc hay còn gọi là bò drought master, đây là một giống bò thịt với 50% máu giống bò Brahman và được lai tạo từ Úc, cụ thể là ở bang Queensland. Đặc điểm bò drought master như sau:
– Khi trưởng thành bò đạt khoảng 700 đến 800kg, khả năng tăng trọng và phẩm chất thịt tốt, tỉ lệ xẻ thịt cao. Ngoài ra, giống bò lai drough master còn kháng bệnh ký sinh trùng, đường máu tốt, dễ dàng thích nghi với điều kiện chăn thả ở vùng nóng ẩm, khô hạn.
– Bò úc dễ đẻ, lành tính, khả năng nuôi con tốt. Thân bò úc dài, tròn, lông ngắn, thưa, mượt, da mỏng, đàn hồi hiệu quả, màu lông từ vàng nhạt đến đỏ sậm. Đa số các con bò đều không có sừng, ư lưng nhỏ, chân và móng chắc khỏe.
Trong khi các giống bò vàng Việt Nam, bò Thái Lan, Campuchia,… chỉ có trọng lượng đạt 250kg thì bò úc có trọng lượng trung bình đến 500kg. Sản lượng thị bò úc cũng cao hơn rất nhiều so với những giống bò khác, đó là lý do vì sao mà nuôi bò úc tại Việt Nam đang thu hút nhiều hộ nông dân đến vậy.
2. Kỹ thuật nuôi bò úc
Kỹ thuật nuôi bò úc không quá phức tạp, tuy nhiên muốn mang lại năng suất cao bạn cần đảm bảo những yêu cầu như sau:
Chọn giống bò
Một trong những yếu tố quyết định đến kết quả của việc chăn nuôi bò úc đó là việc chọn giống, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt và giá thành bán về sau. Bạn nên chọn con có bộ xương to, lông nhuyễn, bụng thon, dài đòn, hai đùi sau to, cạnh đôi to, dịch hoàn to và không lộ rõ. Ưu tiên các con có phần đầu to, răng nhỏ mà thấp, không kén ăn.
Nếu muốn nuôi bò úc vỗ béo thì nên chọn bò trưởng thành với bộ khung to chắc khỏe để đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh, chỉ cần 2 tháng để vỗ béo, không chọn những con quá già. Ngoài ra, cũng nên đảm bảo bò giống thể chất khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, lông óng mượt, da mềm, đầu cổ linh hoạt, đuôi dài, gốc đuôi to, chân thẳng, bước đi vững trãi.
Chuồng trại nuôi bò úc
- Chuồng trại nuôi bò úc phải đảm bảo được yêu cầu ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Nền chuồng tuyệt đối không bị trơn trượt, diện tích từ 4 đến 5 m2/con để tiện lợi cho việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò.
- Trang trại nuôi bò úc có thể được xây dựng 1 hay hai dãy tùy ý. Còn với các hộ nông dân với quy mô chăn nuôi nhỏ thì có thể tận dụng các loại vật liệu có sẵn như tre, lá cọ, tranh,… để làm chuồng nuôi bò nhằm giảm chi phí vốn đầu tư.
- Phải xây dựng hầm biogas để đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời cũng tận dụng được nguồn khí cho việc nấu nướng, thắp sáng. Trung bình cứ nuôi 2 đến 3 con bò thì cần xây một hầm biogas khoảng 5 đến 7 m3. Khi đó nguồn khí cung cấp cho việc nấu nướng và thắp sáng đáp ứng được nhu cầu cho gia đình từ 5 đến 6 nhân khẩu.
Ngoài ra để xử lý mùi hôi chuồng trại, bà con nên sử dụng chế phẩm sinh học EM VBio bằng cách: Pha 1 lít chế phẩm EM thứ cấp với 10 lít nước sạch, phun đều vào nơi ô nhiễm có mùi hôi thối, lặp lại 2-3 ngày/lần.
Chế độ ăn cho bò
Chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong kỹ thuật nuôi bò úc, nó giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất cao. Trung bình bà con cần cho bò ăn lượng thức ăn đặt 2.5% trọng lượng cơ thể của con bò. Chẳng hạn cơ thể bò là 200kg thì cung cấp khoảng 5kg vật chất khô và 15 đến 20kg thức ăn thô xơ cho chúng mỗi ngày.
Khẩu phần ăn cho bò yêu cầu cũng phải đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Thời gian đầu bà con nên tập cho bò ăn thức ăn xanh và một ít thức ăn tinh, khi đã quen dần thì mới tăng thêm lượng thức ăn tinh. Nếu ban đầu mà cho bò ăn thức ăn tinh ngay thì có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc axit và làm chết bò. Kết hợp thức ăn thô xanh cùng thức ăn tinh để cung cấp dinh dưỡng hoàn chỉnh cho đàn vật nuôi.
Ngoài ra để bò hấp thụ chất dinh dưỡng một cách hiệu quả nhất, bà con nên băm nhỏ cỏ và nghiền ngũ cốc, phối trộn đồng đều nguyên liệu với mật rỉ đường để bò ăn ngon miệng, nhanh lớn hơn.
- Thức ăn xanh cho bò: Gồm các loại cỏ được băm nhỏ, thức ăn đã được băm và ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp băm nhỏ, thủ phẩm công nghiệp như bã mía, rượu, rỉ mật, vỏ hoa quả,… Nhìn chung loại thức ăn này chiếm khoảng 60% vật chất khô trong khẩu phần ăn của bò. Bà con có thể sử dụng men ủ thức ăn chăn nuôi VBio để giúp vật nuôi mau lớn, chống lại bệnh tật.
- Thức ăn tinh: Bao gồm các loại sắn nghiền nhỏ, khô dầu lạc, bột ngô bắp được nghiền nhỏ,… Trung bình, thức ăn tinh chiếm khoảng 40 đến 45% vật chất khô trong khẩu phần ăn của bò.
Nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi và tăng năng suất thì bà con cần phải tận dụng triệt để nguồn lương thực có sẵn tại địa phương. Sử dụng thêm các loại máy băm nghiền thức ăn trong quá trình chế biến thức ăn cho bò để tiết kiệm chi phí lâu dài.
3. Phòng ngừa một số bệnh
Phòng bệnh là một phần trong kỹ thuật nuôi bò úc mà bà con không được bỏ qua. Theo đó, cần phải đảm bảo chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh và cơ thể của bò phải luôn được sạch sẽ. Định kỳ phải tẩy uế chuồng trại, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom xử lý chất thải.
Ngoài ra, bà con cũng nên tích cực diệt chuột, đuổi ruồi muỗi, gián, ve,… Đây là cách nuôi bò úc ít bị mắc các bệnh truyền nhiễm từ động vật trung gian. Đặc biệt, cần phải áp dụng lịch tiêm phòng đúng quy định, giúp bò phòng chống được các loại bệnh phổ biến như lở mồm long móng, tụ huyết trùng,… Để tẩy giun cho bò úc bà con có thể sử dụng một số loại thuốc đặc trị như Levamisole hay Dexti1B.
Trên đây là kỹ thuật nuôi bò úc vừa đơn giản vừa mang lại hiệu quả cao. Thay vì chọn những giống bò kém năng suất, giá trị không cao thì đầu tư trang trại nuôi bò úc chính là giải pháp tuyệt vời mà bạn nên lựa chọn. Hi vọng rằng với những gợi ý mà chúng tôi chia sẻ trên đây có thể giúp bạn thu về kết quả đúng như ý muốn.