Thủ phủ quất cảnh miền Trung thắng sớm vụ Tết

0
7

Xã Cẩm Hà (TP Hội An, Quảng Nam) được xem là thủ phủ quất cảnh của miền Trung với hàng trăm hộ trồng quất, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn chậu quất cảnh. Ảnh: L.K.

Nghề trồng quất cảnh ở xã Cẩm Hà đã hình thành cách đây gần 100 năm, đến nay, nơi đây đã trở thành vùng trồng quất lớn nhất ở khu vực miền Trung. Mỗi năm, cứ đến sát Tết Nguyên đán, hàng trăm hộ dân trong xã lại tất bật với công việc chăm sóc, cắt tỉa cành lá để cho ra những chậu quất đẹp phục vụ thị trường.

Chỉ còn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này, khắp các tuyến đường dẫn vào làng quất Cẩm Hà luôn tấp nập người vận chuyển quất cảnh đi khắp các vùng miền cả nước để tiêu thụ. Tại các nhà vườn, quất đã chuyển sang màu vàng ươm rực rỡ.

Theo các hộ trồng quất tại Cẩm Hà, thời tiết năm nay thuận lợi cùng kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc truyền thống lâu năm nên quất phát triển tốt, ra trái đẹp, đều, sai và màu sắc bắt mắt. Cùng với đó, thị trường quất cảnh cũng khá sôi động, giá bán cao hơn các năm trước nên người trồng rất phấn khởi.

Năm nay, quất cảnh được giá nên người dân rất phấn khởi. Ảnh: L.K.

Ông Cao Minh Thanh (56 tuổi, ở thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà) cho biết, năm nay gia đình ông trồng khoảng 500 chậu quất lớn nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, số quất cảnh của ông đều đã được thương lái đặt cọc hết. Tùy theo kích cỡ chậu, chiều cao cây, hình dáng của từng chậu mà giá bán khác nhau.

“Những chậu mini giá từ vài chục đến vài trăm ngàn. Chậu quất tầm trung có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu. Với những cây lớn đẹp, cao tầm 3m trở lên thì giá cao hơn, lên đến vài chục triệu đồng mỗi chậu. Với số lượng trồng năm nay, sau khi trừ chi phí thì gia đình cũng có lãi gần 200 triệu đồng”, ông Thanh vui mừng nói.

Tương tự, gần 600 chậu quất của gia đình ông Nguyễn Hào (60 tuổi, trú tại thôn Trảng Suối, xã Cẩm Hà) đến nay cũng đã được thương lái đặt cọc hết với tổng doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng. Là người có kinh nghiệm 20 năm trong nghề trồng quất cảnh, ông Hào cho biết, để có được 1 chậu quất cảnh bán vào dịp Tết thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức.

Để có những chậu quất đẹp, quả to, đều và màu sắc bắt mắt cần trải qua nhiều công đoạn chăm sóc tỷ mẫn. Ảnh: L.K.

Thông thường, quất giống sẽ được trồng ở ruộng khoảng 2 năm. Đến tầm tháng 9 đến tháng 10 âm lịch của năm thứ 3 người trồng mới bứng cây vào chậu và bắt đầu công đoạn chăm sóc tỷ mẫn hơn. Để có 1 chậu quất đẹp, lá xanh tốt, quả đều, chín vàng đúng thời điểm mong muốn, người dân phải thường xuyên phun thuốc phòng sâu bệnh, cắt tỉa cành để tạo hình, loại bỏ quả xấu, tưới nước bón phân theo một quy trình đã được đúc kết qua hàng chục năm ở làng trồng quất truyền thống này.

Được biết, quất ở xã Cẩm Hà hiện nay không chỉ cung cấp cây cảnh cho người chơi trưng Tết mà còn cung ứng quất nguyên liệu cho cơ sở, nhà hàng chế biến món ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, dùng để trị bệnh như: mứt quất, viên ngậm trị ho, vị thuốc đông y, gia vị trong chế biến thức ăn… được người dân tin dùng. Sản phẩm ở đây từ lâu đã trở thành thương hiệu quen thuộc, người dân trong tỉnh cũng như các tỉnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên biết đến.

Ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, địa phương có hơn 222ha đất nông nghiệp, phần lớn người dân đều sử dụng để trồng quất. Năm nay, toàn xã có trên 500 hộ trồng quất cảnh, với khoảng 65.000 chậu quất và tình hình tiêu thụ rất khả quan. “Đến thời điểm hiện tại, thương lái đã đặt mua trên 90% số lượng quất cảnh của xã, giá cũng tăng hơn 30% so với năm vừa rồi. Giá cao, thị trường tiêu thụ ổn định, nên nhiều chủ vườn đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng”.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận