Quá nửa trang trại đã bỏ hoang
Hai ông Hoàng Văn Trợ và Hoàng Xuân Trường đang có trang trại tại xứ đồng Sau Gia ở thôn Vệ Xá, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh bảo với tôi như thế. Trước đó, khi hỏi đường vào khu chuyển đổi này, thấy cỏ mọc rậm rì, tôi tưởng nhầm bởi chỉ có một lối đi nhỏ và mờ rộng không quá một gang tay ở giữa. Hiện chỉ còn khoảng ½ trong tổng số 20 hộ duy trì được trang trại tại đây trong trạng thái tự sản tự tiêu, còn lại đã bỏ hoang hết.
Vạch đám cỏ cao lút đầu người, chúng tôi vào trang trại của ông Hoàng Văn Thống, trong ao mọc toàn thứ cây dại tốt um như một đầm lầy thu nhỏ. Chéo một tí là trang trại của bố con anh Phạm Trọng Thuần từng nổi tiếng vì mô hình HTX thỏ Nhật Việt – một trong những HTX kiểu mới tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, chuyên nuôi thỏ xuất bán cho đối tác Nhật làm dược phẩm.
Giờ hệ thống chuồng bỏ không, hoen rỉ hết, chỉ còn vài chục cân cá dưới ao, còn vài con gà, con chó trên bờ, thỉnh thoảng mới thấy ông bố về để ngủ. Các hộ vệ tinh nuôi thỏ gia công cho HTX còn tan trước bởi thỏ là vật nuôi rất nhạy cảm với các điều kiện môi trường, thêm vào đó, tiêu chuẩn thu mua của Nhật rất cao nên khó mà đáp ứng được.
Theo ông Trợ, trước năm 2000 xứ đồng Sau Gia là khu ruộng trũng, cấy lúa một vụ bấp bênh nên thôn, xã mới xin huyện, tỉnh cho phép chuyển đổi sang mô hình VAC và được chấp nhận. Mỗi trang trại ở đây được quy hoạch rộng 1,2 mẫu Bắc bộ, trên bờ trồng cây, làm chuồng, dưới ao nuôi cá. Từ năm 2001 đến năm 2013 ký hợp đồng lần một, từ năm 2015 đến năm 2020 ký hợp đồng lần hai giữa các hộ dân với trưởng thôn Vệ Xá và Ban quản lý HTX Vệ Xá nhưng đều có đại diện của xã ký, đóng dấu vào.
“Hàng năm thôn thu sản chứ xã không thu, mức sản hợp đồng lần đầu là 100 kg thóc/sào 360m2, lần hai là 50 kg thóc/sào. Hết năm 2020 chúng tôi có đề nghị lên huyện, một là ký tiếp hợp đồng, hai là thanh lý để trả lại mặt bằng. Sau đó, họ thành lập ban bệ, kiểm đếm, thống kê tài sản từng cây trồng một, từng m2 ao một, hoàn chỉnh hồ sơ thanh lý hợp đồng cho các hộ và ra văn bản không được làm gì trên đất nữa rồi bỏ đấy.
Đến bây giờ chúng tôi muốn xây dựng, phát triển gì họ cũng không cho, muốn đóng sản cũng không được. Trước đây tôi đầu tư nuôi cá chuối rồi ốc nhồi đen, thu nhập mỗi năm cũng được cỡ 70 – 80 triệu trong đó lãi khoảng 60 – 70 triệu. Nay người ta không cho làm nên không dám mạo hiểm mà đầu tư, tôi chỉ thả vài con cá trắm chơi thôi, thu nhập không có gì cả, chẳng đủ ăn”.
Cùng trong khu chuyển đổi, ông Hoàng Xuân Trường mua lại trang trại của một người làng năm 2014 với giá 170 triệu. Mỗi năm ông thu được 30 – 40 triệu từ việc nuôi cá và trồng cây nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn vốn bởi giá bán rất bấp bênh. Nay ông chỉ thả một ít cá, trồng một ít rau để ăn, tự sản tự tiêu chứ không tạo ra kinh tế. Những người có tuổi như ông không thể đi đâu làm được nữa nên chỉ bám ao, bám vườn sống qua ngày, còn thế hệ trẻ con cái họ đều đi làm công nhân chứ dựa vào trang trại thì không thể sống được.
“Giai đoạn đầu người ta phải đầu tư đào ao, đắp vườn, rồi xây dựng nhà cửa (nhà cấp bốn để tiện bề trông coi – PV) chứ không phải bỗng nhiên mà có được cơ ngơi như thế này. Làm được 13 năm, kinh tế mới phục hồi thì địa phương chỉ ký tiếp hợp đồng 5 năm, cũng không dám đầu tư mạnh, rồi khi nghe tin nhà nước thu hồi lại càng không dám đầu tư nữa.
Đã từng có một số đài, báo về đây viết bài tuyên truyền nhưng thực chất những người sống được bằng nghề nuôi trồng thủy sản và trồng cây là không có. Bởi thế, chúng tôi muốn chính quyền thanh lý hợp đồng, bồi thường cho nhẹ nhõm, còn không thì phải có hướng giải quyết cụ thể, phải cho người ta một tương lai, một niềm tin như ký tiếp hợp đồng 15 – 20 năm nữa thì mới dám đầu tư tiếp”, ông lão tiếp lời.
Còn bà Nguyễn Thị Hiền thì than thở, gia đình mình ra làm trang trại hơn 20 năm, trước còn thu nhập 70 – 80 triệu/năm nhưng về sau chẳng được bao năm đã đành mà giờ còn không được ký hợp đồng tiếp.
“Hệ thống thủy lợi không được đầu tư, chẳng nuôi được thứ gì nữa, con tôi bảo phải đi làm công nhân thôi, chứ ở nhà thế này thì chết đói. Người ta cứ đe đầu, đe đuôi không được làm gì. Chúng tôi lên huyện, xuống xã đủ đường rồi nhưng không được. Chuồng trại xây dựng mấy chục năm rồi xuống cấp lắm nhưng không được sửa, nếu sửa thì chính quyền bảo ra múc hết nên đa số bỏ không. Chúng tôi chỉ yêu cầu khi hợp đồng hết hạn thì phải thực hiện những điều khoản về đền bù, hỗ trợ”. Chán cảnh làm trang trại nên vợ chồng bà Hiền mấy vụ nay mới xin người làng những thửa ruộng bỏ hoang để mà cấy lúa.
Dân mòn mỏi đợi chờ
Tổng cộng có 20 hộ trong khu vực chuyển đổi rộng hơn 10 ha của thôn Vệ Xá đều lâm vào cảnh tương tự như thế. Ông Trường bảo, cán bộ nhiều khi chỉ ở trên phố chứ không thấy thò chân thò tay xuống ruộng đồng để biết tình hình cụ thể của dân thế nào, vướng mắc của dân ra sao mà giải quyết. Ông Trợ thì bảo, nghĩa vụ thì chúng tôi đã thực hiện xong rồi, còn quyền lợi thì phải theo luật pháp giải quyết nhưng chờ đợi mãi mà không thấy sau khi đã chấp nhận ký vào biên bản kiểm đếm, thống kê tài sản trên đất ở trang trại.
Theo đại diện của những người dân trao đổi với Báo NNVN, 20 hộ làm trang trại ở khu vực này đã sử dụng đất ổn định, không tranh chấp từ năm 2002 đến năm 2015, hết hạn hợp đồng cũ, lại cùng đại diện cấp ủy thôn, Ban chuyển đổi và UBND xã Đức Long tiếp tục ký hợp đồng, giao thầu 5 năm, từ 1/1/2015 đến hết 1/1/2020. Hợp đồng được lập thành 3 bản, UBND xã Đức Long giữ 1 bản, thôn giữ 1 bản, người nhận thầu 1 bản. Khi hết thời hạn trên, họ lên làm việc với UBND xã Đức Long thì được trả lời rằng đồng ý giao tiếp đất nhưng thời hạn chỉ được 1 năm và không đóng dấu vào hợp đồng mới.
Còn trong văn bản số 47 ngày 17/8/2020 của UBND xã Đức Long trả lời đơn đề nghị của một số công dân khu chuyển đổi thôn Vệ Xá rằng: “Qua xem xét nội dung đơn đề nghị, UBND xã Đức Long yêu cầu đồng chí trưởng thôn Vệ Xá báo cáo về nguồn gốc khu chuyển đổi đồng trũng xứ đồng Sau Gia sang nuôi trồng thủy sản. Ngày 10/8/2020 đồng chí trưởng thôn Vệ Xá có báo cáo về nguồn gốc khu đất chuyển đổi trên cụ thể có nguồn gốc là đất được nhà nước giao cho các hộ sử dụng từ năm 1992 – 1993, thuộc xứ đồng Sau Gia của thôn Vệ Xá.
Do diện tích đất nói trên thuộc diện trũng, khó canh tác nên HTX họp xã viên thống nhất chuyển đổi, lập dự án chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản và thống nhất hoán đổi cho các hộ có diện tích khu chuyển đổi sang diện tích 15% của HTX đang quản lý thuộc các xứ đồng Bờ Hòn, Bãi Thin, Miễu, Gốc Đề cho các hộ sử dụng lâu dài. Còn phần diện tích của các hộ khu Sau Gia bàn giao cho tập thể quản lý, thuộc đất 15%. UBND xã Đức Long yêu cầu cấp ủy, trưởng thôn Vệ Xá có trách nhiệm bàn giao diện tích khu chuyển đổi đồng trũng sang nuôi trồng thủy sản khu Sau Gia về UBND xã quản lý theo đúng quy định của Luật đất đai năm 2013.
Căn cứ khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai năm 2013 quy định “Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 điều này thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm. Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước do UBND cấp xã quản lý và chỉ được dùng cho nhu cầu công ích của xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật”.
Được biết, tình trạng sống dở, chết dở của các trang trại vì không được ký hợp đồng thuê đất tiếp hay thời hạn hợp đồng thuê đất quá ngắn không chỉ có ở Bắc Ninh mà còn ở nhiều tỉnh, thành tại miền Bắc.