Nấm lim xanh nổi tiếng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: Hỗ trợ điều trị ung thư gan, tiểu đường, tai biến, huyết áp cao, xơ vữa động mạch,… Vì vậy, mà có nhiều người muốn trồng nấm lim xanh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách trồng nấm lim xanh bằng mùn cưa.
Nguyên liệu để trồng nấm lim xanh
Để trồng nấm lim xanh bằng mùn cưa, mọi người cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau:
- Mùn cưa của các loại gỗ mềm, không có độc tố, không có tinh dầu chẳng hạn như cao su,…
- Túi ni lông chịu nhiệt.
- Bông nút, cổ nút.
- Bột phụ gia: Bột nhẹ, bột ngô (không bị hư và phải được nghiền mịn), cám gạo.
- Nước sạch, nước vôi.
Cách trồng nấm lim xanh bằng mùn cưa
Cách trồng nấm lim xanh bằng mùn cưa khá phức tạp. Chúng ta phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất
Ủ mùn cưa là bước đầu tiên trong cách trồng nấm lim xanh
Kỹ sư Ngô Xuân Nghiền chia sẻ rằng có 2 phương pháp ủ mùn cưa để trồng nấm lim xanh hiệu quả, đó là ủ nhanh và ủ chậm:
Phương pháp ủ chậm
Phương pháp này áp dụng cho tất cả mùn cưa của gỗ mềm. Để tạo ẩm cho mùn cưa, mọi người cần dùng nước vôi có độ pH từ 12 – 13. Sau đó, kiểm tra độ ẩm mùn cưa bằng bàn tay. Nếu bạn nắm mùn cưa thật chặt, sau đó thả tay ra mà mùn cưa có kết cấu khối, hơi dính thì lúc này độ ẩm đạt từ 62 – 65%.
Tiếp theo, ủ theo đống khối với bề rộng đáy dưới 1.8m, đáy trên khoảng 1.5m, chiều cao khoảng 1.2m. Dùng túi bóng dài che đều xung quanh.
Sau khoảng 3 ngày, đào lại đống ủ, rồi ủ tiếp 3 ngày nữa.
Phương pháp ủ nhanh
Ủ nhanh áp dụng cho mùn cưa đặc chủng, dễ tiêu như mùn cưa gỗ bồ đề hay cao su. Chúng ta cần tạo ẩm mùn cưa bằng nước sạch để đạt độ ẩm khoảng 62 – 65%, rồi ủ thêm 2 – 3 ngày để lượng nước thấm đều trong mùn cưa.
Phối trộn phụ gia
Cho bột ngô với tỉ lệ 5 – 7 %, cám gạo 3 – 5%, bột nhẹ 1 – 1.5% với lượng mùn cưa đã được ủ. Trộn đều tất cả các nguyên liệu rồi dùng túi ni lông để đóng bịch mùn cưa.
Chú ý trong lúc nén, cần phải ấn thật chặt mùn cưa, trọng lượng trung bình mỗi bịch khoảng 1.2 – 1.3kg và chỉ nên nén khoảng nửa túi ni lông rồi sau đó làm cổ nút, nhét bông trên đầu cổ nút rồi đậy nắp lại.
Sau khi làm xong các bịch, hãy chuyển ngay vào khu vực hấp để thực hiện thanh trùng. Không được để bịch ở ngoài quá 8 tiếng vì khi phối trộn bột ngô và cám gạo như vậy sẽ tạo mùi chua.
Thanh trùng bịch nấm
Thanh trùng bịch nấm là bước quan trọng trong cách trồng nấm lim xanh. Phương pháp thanh trùng thường thấy nhất hiện nay là xây lò hấp cách thủy. Bên dưới lò là chảo gang để chứa nước sôi, buồng đốt than, ô cửa kính để theo dõi nhiệt độ hơi. Mục đích của bước thanh trùng này là để tiêu diệt hết các mầm mống gây bệnh.
Để khâu thanh trùng thành công, mọi người cần để các bịch nấm vào trong lò so le để hơi nước tiếp xúc đều với tất cả thành bịch. Mọi người tiến hành thanh trùng ở nhiệt độ 100 độ C, trong 10 – 12 tiếng.
Bịch mùn cưa sau khi được thanh trùng xong sẽ chuyển màu từ sáng sang màu sẫm, nên mở nắp bịch ra để ngửi, nếu ngửi thấy mùi hắc hoặc hơi chua nồng thì có nghĩa là các nguyên liệu chưa được hấp chín, bạn cần phải tiến hành hấp thanh trùng lại. Sau khi tất cả bịch đã được hấp thanh trùng, chuyển sang phòng cấy, đợi nhiệt độ xuống còn khoảng 28 độ C thì thực hiện cấy giống.
Cấy giống nấm lim xanh
Mọi người cần chuẩn bị một phòng cấy giống sạch, khô, kín gió và nên được thanh trùng định kỳ bằng bột lưu huỳnh. Các dụng cụ cần có để thực hiện bước này bao gồm: Que cấy, panh kẹp, bàn cấy, đèn cồn, cồn sát trùng.
Khi chọn nấm cấy cần lưu ý: Không chọn nấm quá non hoặc quá già; giống không bệnh; chọn giống đúng độ tuổi. Những người tham gia phải vệ sinh sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, mặc quần áo blouse trước khi vào phòng cấy.
Lau miệng chai đựng nấm giống bằng cồn, tách lớp màng một cách nhẹ nhàng, hạn chế để hạt nấm giống bị nát. Để miệng chai đựng nấm giống gần miệng bịch mùn cưa. Dùng que cấy gắp nhẹ giống xuống, cấy khoảng 10 – 15g giống nấm vào từng bịch. Mỗi chai giống cấp 2 sẽ cấy được khoảng 30 – 40 bịch. Sau khi cấy giống, đậy nút bông lại, đưa bịch nấm mới cấy vào khu vực ươm.
Ươm sợi nấm lim xanh
Nơi ươm sợi nấm cần phải thông thoáng, sạch sẽ, khô ráo, kín gió, ánh sáng yếu. Trong phòng, nên xếp các giá, khay thành tầng để đựng bịch nấm, từng bịch nấm nên cách nhau khoảng 2 – 3 cm để tránh hiện tượng sinh nhiệt trong lúc ươm. Trong lúc ươm, không cần tưới nước mà chỉ cần quan sát quá trình ươm nấm.
Khoảng 15 ngày sau, sợi nấm trắng đã lan ra 1/2 đến 1/3 bịch nấm, khi ấy chúng ta sẽ nới nút bông. Nới nút bông bằng cách lấy một ít bông ở giữa rồi đặt lại vị trí cũ. Từ ngày 16 trở đi, không được chạm vào cổ bịch nấm vì như thế sẽ dễ làm đứt hệ sợi nấm. Từ ngày 16 – 25, hệ sợi liên kết bắt đầu hình thành quả thể và chui ra cổ nút. Phần sợi nấm sẽ lan dần đến đáy bịch. Như vậy, quá trình ươm kết thúc.
Cách chăm sóc nấm lim xanh
Sau khi đã tìm hiểu về cách trồng nấm lim xanh, ta sẽ tìm hiểu tiếp về cách chăm sóc nấm lim xanh.
Chuẩn bị nhà trồng: Nhà trồng cần thông thoáng, sạch sẽ, độ ẩm cao, nhiệt độ từ 20 – 30 độ C và chiếu sáng đều.
Tiếp đến đem các bịch ươm nấm sang nhà trồng, nên đặt bịch xếp dạng luống hoặc theo giàn, ở giữa là lối đi để tiện cho khâu chăm sóc. Khoảng cách giữa các bịch là khoảng 10cm, đặt bịch nấm so le để không bị che lấp ánh sáng của nhau.
Trung bình 1 ngày, cần tưới 2 – 3 lần, tùy vào độ ẩm của không khí, chú ý là nên tưới phun sương.
Bài viết đã giúp bạn tìm hiểu về cách trồng nấm lim xanh bằng mùn cưa. Mong rằng với những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích cho bạn trong việc tìm hiểu về cách trồng và cách chăm sóc nấm lim xanh.