Chăn nuôi thương phẩm các loài đặc sản luôn thu hút cả người đầu tư và người tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình đã và đang phải triển mạnh như nuôi nhím, nuôi dúi, nuôi hươu, nai… Trong đó, chăn nuôi lợn rừng vẫn tỏ ra là một hướng đi đầy triển vọng, tỉ lệ cạnh tranh cao. Song nó còn khá mới mẻ nên kinh nghiệm, kỹ thuật chưa được phổ cập rộng rãi. Nhằm giúp bà con phát triển kinh tế với mô hình này một cách an toàn và bền vững, bài viết dưới đây xin giới thiệu tới bà con kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm nhanh lớn, chất lượng thịt thơm ngon.
1. Các giống lợn rừng nuôi thịt phổ biến hiện nay
Chọn giống nuôi là khâu quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng thịt. Ở Việt Nam, có một số giống lợn rừng được nuôi thương phẩm phổ biến như:
1.1. Lợn rừng Thái Lan
Giống lợn rừng Thái Lan có thân mình thon, dáng cao, mặt nhọn, lông cứng, có màu nâu hoặc đen. Nuôi con đực trưởng thành có thể đạt từ 100 – 120kg/con, con lợn cái đạt từ 90 – 100kg/con. Là một trong những giống lợn rừng được chọn nuôi phổ biến vì tốc độ tăng trưởng và thể trọng tốt.
1.2. Lợn rừng lai
Là giống con lai giữa heo đực rừng và heo nái nhà. Chúng vẫn có khả năng sinh trưởng tốt, chịu kham khổ, ít dịch bệnh, lông màu hung đen hoặc xám đen. Trọng lượng của con đực trưởng thành là 50 – 70kg/con, trọng lượng con cái 30 – 40kg/con.
1.3. Lợn Đen
Lợn rừng Đen Hòa Bình ăn ít, khả năng chống chịu bệnh tốt, nuôi nhanh lớn. Giống lợn này được nuôi đến khoảng 6 tháng tuổi là giết thịt. Đây là thời điểm thịt chất lượng và đảm bảo độ thơm ngon nhất. Thể trọng của chúng lúc này có thể đạt 150kg/con.
1.4. Lợn Mường Khương
Giống này có màu lông đen tuyền, có xuất hiện vài đốm trắng trên trán. Đặc điểm ngoại hình của lợn Mường Khương là vóc dáng to lớn nhưng lép người, trán nhăn, mõm dài thẳng, 4 chân vững chắc. Giống lợn này thích nghi tốt với khí hậu ở vùng núi cao, thích hợp nuôi chăn thả tự do và nuôi bán chăn thả. Tuy nhiên, khả năng sinh trưởng lại chậm, sau 12 tháng, đạt trọng lượng trung bình khoảng 90kg/con, có thể xuất chuồng.
2. Kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm
2.1. Cách chọn giống
Các giống lợn rừng kể trên đều được nuôi tương đối phổ biến và cho năng suất, chất lượng thịt tốt. Tuy nhiên, khi chọn giống lợn rừng nuôi thịt, bà con lưu ý cần chọn con giống phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng, sinh trưởng và mục đích của mình.
Lựa chọn những con mang đặc điểm vượt trội của giống loài. Ưu tiên thân hình cân đối, nhanh nhẹn, hoạt bát. Để lợn con khỏe mạnh, tốt nhất, bà con nên chọn đàn con của lợn nái đẻ từ lứa thứ 3 trở đi.
Thời điểm mua giống thích hợp là khi lợn rừng con đạt cân nặng từ 2 tháng tuổi trở lên, trọng lượng cơ thể từ 5 – 6kg. Đàn lợn nên mua cùng 1 lứa tuổi, khối lượng đồng đều để dễ nuôi.
2.2. Chuẩn bị chuồng nuôi lợn rừng trước khi nhập giống
Nguyên tắc chung khi thiết kế chuồng nuôi lợn rừng thương phẩm
Tuy sống ở ngoài tự nhiên, nhưng lợn rừng lại không thích nắng chói và nóng. Vì thế, khi thiết kế chuồng nuôi lợn rừng, bà con cần đảm bảo các nguyên tắc chung sau:
- Chuồng trại mát, thông thoáng, xung quanh quây bằng gỗ hoặc lưới thép B40. Chú ý phần móng bên dưới cần đắp chắc chắn để chúng không có khả năng đào hầm trốn thoát ra ngoài.
- Nếu áp dụng mô hình chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, bà con nên phân chia thành các ô cho: lợn đực giống, lợn rừng hậu bị, lợn nái sau khi đẻ và nuôi con, khu vực nuôi lợn thịt.
- Nền chuồng dốc 3 – 5% để thoát nước, có thể lát gạch đỏ hoặc xi măng để thuận tiện vệ sinh. Ngoài ra, bà con cũng có thể sử dụng thêm chất độn chuồng cho lợn rừng.
- Sân bên ngoài là nền đất, nện chặt, nhiều cây cối, có hố nước nông, bãi đằm.
2.3. Vệ sinh chuồng trại trước khi nhập lợn giống
Để đàn lợn không bị mắc bệnh tại môi trường nuôi mới, trước khi nhập giống về, bà con cần thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khu vực chuồng nuôi.
Sau khi xuất bán đàn lợn, cũng tiến hành dọn dẹp tương tự. Tiến hành các công việc sau:
- Quét dọn rác thải, cọ rửa sạch sẽ nền, tường, xử lý chất thải trong chuồng.
- Dùng vôi bột pha loãng 10% (1kg vôi bột pha với 10kg nước). Dùng chổi bằng bông cỏ hoặc bông chít quét vôi lên tường, nền, bên trong và bên ngoài chuồng nuôi.
- Tiến hành phun thuốc khử khuẩn cho toàn bộ khu vực 2 lần. Bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Formol 1 – 3%; Crezin 3 – 5%; Cloramin – T 2%, pha theo chỉ dẫn trên bao bì thuốc.
- Để chống chuồng ít nhất 14 ngày, đóng kín cổng, không cho các vật nuôi khác đi vào.
- Rửa sạch dụng cụ chăn nuôi: máng ăn, máng uống, các dụng cụ dùng để quét dọn, triệt tiêu mầm bệnh cho lợn rừng.
Ngoài ra để xử lý mùi hôi chuồng lợn rừng, bằng cách sử dụng chế phẩm EM VBio, bà con pha 1 lít chế phẩm EM thứ cấp với 10 lít nước sạch, phun đều vào nơi ô nhiễm có mùi hôi thối, lặp lại 2-3 ngày/lần.
2.4. Thức ăn của heo rừng – Nuôi lợn rừng cho ăn gì?
Trong kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm, thức ăn được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng thịt lợn rừng khi xuất bán. Nếu như không lựa chọn loại thức ăn và chế độ ăn thích hợp, cố tình nhồi nhét cám tăng trọng thì thịt lợn rừng sẽ mất đi khả năng cạnh tranh ưu thế so với thịt lợn nhà ở trên thị trường.
Cụ thể, trong một chu trình kỹ thuật nuôi heo rừng thịt từ khi nhập về cho tới lúc xuất bán, chúng chỉ tiêu thụ bằng ⅕ khối lượng thức ăn của lợn nhà. Thức ăn thô xanh chiếm từ 70 – 80%, trong khi đó, thức ăn tinh chỉ chiếm khoảng 20 – 30% tổng khối lượng thức ăn trong ngày. Khi nuôi lợn rừng lấy thịt, bà con có thể tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có như sau:
- Nhóm thức ăn thô xanh
Hầu hết các nhóm thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp đều có thể tận dụng nuôi lợn rừng thịt. Ví dụ như: bèo các loại, thân cây ngô non, các loại cỏ tự nhiên, cỏ trồng chăn nuôi, bí đao, bí đỏ; Phụ phẩm của cây công nghiệp như dây khoai lang sau khi thu củ, ngọn lá sắn, vỏ và thịt quả cafe, quả giả điều, các loại trái cây…
Đặc biệt trong nuôi lợn rừng lấy thịt, bà con không nên bỏ qua thân cây chuối. Thân chuối là nguồn thức ăn thô xanh rẻ tiền, dễ trồng nhưng lợn rừng cực kỳ thích. Ngoài ra, thân chuối có chứa hàm lượng nước từ 70 – 80%, cung cấp nước uống cho đàn lợn.
Thức ăn thô xanh có nguồn gốc tự nhiên, sẵn có ở địa phương, giúp giảm chi phí thức ăn đầu vào.
- Nhóm thức ăn tinh cho lợn rừng và thức ăn bổ sung
Nhóm thức ăn tinh bao gồm: các loại hạt ngũ cốc, thóc, ngô, sắn, khoai, các loại khô dầu, bã đậu nành, hèm bia bỗng rượu; Các loại phụ phẩm từ lò mổ gia súc gia cầm đã được chế biến như: bột xương, bột vỏ sò, bột cá, bột máu, đầu tôm, bột giun, bột côn trùng… Bổ sung thêm các chất khoáng, vitamin, premix, chế phẩm sinh học, mật rỉ đường…
2.5. Công thức và cách phối trộn thức ăn của lợn rừng
- Chế biến thức ăn thô xanh
Các loại thức ăn thô xanh chủ yếu được băm nhỏ, cho lợn rừng ăn tươi. Vào mùa nguyên liệu dồi dào, bà con có thể cắt nhỏ, ủ chua với chế phẩm sinh học EM, mật rỉ đường… làm thức ăn dự trữ cho lợn khi bước vào mùa khan hiếm.
Riêng với thân cây chuối, nếu lấy thân non chưa ra quả, bà con chỉ cần băm nhỏ và cho lợn ăn trực tiếp. Còn nếu chuối đã cho thu hoạch buồng, sau khi băm nhỏ, nên ngâm qua với nước để bớt chát. Có thể trộn chuối băm với cám gạo, bột ngô, cho vào máng ăn đặt ngoài sân để chúng ăn cả ngày.
Nuôi lợn rừng lấy thịt với quy mô lớn, bà con có thể tham khảo một số thiết bị máy móc của hãng 3A để hỗ trợ chế biến thức ăn thô xanh, rút ngắn thời gian chuẩn bị.
Máy băm cỏ 3A: là dòng sản phẩm chủ lực với nhiều công suất và năng suất khác nhau, tương ứng với quy mô đàn lợn rừng của bà con. Máy băm cỏ được dùng để băm nhuyễn các loại cỏ trồng, thân ngô, thân lạc để vật nuôi dễ ăn, hấp thụ tốt hoặc làm nguyên liệu ủ chua.
Máy băm thân cây chuối 3A: Thân chuối là thức ăn thô xanh quan trọng không thể thiếu khi nuôi lợn rừng. Vì thế, các trang trại nên đầu tư một chiếc máy băm chuối để đáp ứng đủ số lượng thức ăn hàng ngày cho cả đàn. Một số dòng máy có thể tham khảo như: Máy băm chuối dạng lát 3A2,2Kw, Máy băm chuối dạng hạt 3A2,2Kw, máy băm chuối công nghiệp 3A7,5Kw…
- Chế biến thức ăn tinh
Bà con có thể áp dụng các phương pháp đường hóa, nấu hoặc hấp chín, xay nghiền, ép cám dạng viên… Tuy nhiên, để tạo ra nguồn thức ăn dự trữ, bảo quản tốt nhất đồng thời giúp đàn lợn rừng ăn ngon miệng, dễ hấp thụ, phương pháp ép cám viên là thích hợp hơn cả.
Tự sản xuất cám viên tại nhà cho lợn bằng cách: xay nhuyễn nguyên liệu, phối trộn theo tỉ lệ nhất định và đưa vào máy ép cám viên.
Chủ trang trại có thể áp dụng một số công thức phối trộn thức ăn tinh dưới đây:
2.6. Cung cấp nước uống cho lợn rừng
Đặc biệt lợn rừng không chịu được nóng, vì thế chúng thích tắm, đắm mình trong các vũng tắm bên ngoài sân chơi để điều hòa thân nhiệt. Do đó, trong kỹ thuật nuôi lợn rừng, việc cung cấp nước cho chúng là rất quan trọng.
Mỗi ngày, lượng nước trung bình cho lợn rừng uống là khoảng 7 – 12% thể trọng hoặc ước tính 2,5 – 5 lít nước cho 1kg thức ăn khô. Lượng nước tiêu thụ cao nhất trong một ngày đối với lợn rừng con là 3 lít, lợn choai 5 lít và lợn đực – lợn nái sinh sản lên tới 9 – 15 lít một ngày.
Ngoài cung cấp nước uống, chủ trang trại cần bơm thêm nước vào các vũng tắm, vũng đằm cho chúng. Nguồn nước chăn nuôi lợn rừng thịt phải sạch sẽ, mát, không nhiễm hóa chất độc hại.
3. Cách nuôi lợn rừng thương phẩm theo từng giai đoạn
3.1. Lợn rừng từ 2 – 4 tháng tuổi
Đặc điểm: tiêu hóa yếu, lượng thức ăn ít, lông thưa, da mỏng, khả năng điều hòa thân nhiệt kém nên dễ bị stress. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cơ thể chúng phát triển nhanh. Do đó, nhu cầu về protein giai đoạn này là cao nhất.
Thức ăn: Thức ăn tinh nên nấu chín, bổ sung khoáng, vitamin để chúng dễ tiêu hóa. Cho lợn con ăn 3 bữa/ ngày, ăn thức ăn tinh trước, sau đó là thức ăn thô xanh.
Giai đoạn này cho lợn rừng con uống nước tự do. Tiến hành vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Tiêm phòng vacxin lúc 3 tháng tuổi (các mũi nhắc lại: phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng). Đồng thời tẩy giun cho đàn lợn rừng con.
3.2. Lợn rừng từ 4 – 6 tháng tuổi
Đặc điểm: Khả năng hấp thụ và tiêu hóa thức ăn tốt, đặc biệt là thức ăn tươi xanh. Thân hình phát triển, nhất là cơ mông, cơ lưng lườn, cơ xương. Cuối của thời kỳ này, lợn rừng bắt đầu tích lũy mỡ.
Thức ăn: Tiếp tục cung cấp nhiều đạm để phát triển xương, tạo khung, thân dài. Bổ sung thêm bã đậu, bỗng rượu, mật rỉ đường vào thức ăn hàng ngày. Cho lợn choai ăn 2 bữa/ ngày.
Giai đoạn này cần duy trì nhiệt độ chuồng nuôi khoảng 18 – 30 độ C. Thấp quá hoặc cao quá đều ảnh hưởng đến khả năng lợn tiêu thụ thức ăn và chất lượng thịt.
3.3. Nuôi lợn rừng từ 6 tháng tuổi đến khi xuất bán
Đặc điểm: khung xương phát triển chậm lại, bắt đầu tích mỡ. Lợn rừng không thích vận động nhiều, tính háu ăn cũng giảm, lớp mỡ dưới da dày lên, ưa mát, ngủ nhiều.
Thức ăn: Cung cấp thức ăn giàu năng lượng, để chúng ăn tự do nhằm tăng trọng tốt, rút ngắn thời gian nuôi.
Trên đây là những kỹ thuật nuôi lợn rừng thương phẩm nhanh lớn, an toàn, hiệu quả kinh tế cao. Hi vọng sẽ giúp bà con phát triển mô hình nuôi lợn rừng bền vững tại quê nhà.