Kỹ thuật nuôi cá Nâu trong ao

0
5

Cá Nâu (tên khoa học: Scatophagus argus) là loại cá nước lợ, phân bố trong đầm phá, kênh rạch nước lợ và cửa sông và có cả ở ba vùng gồm Vịnh Bắc Bộ, Miền Trung và Nam Bộ nước ta.

Cá Nâu là loài cá ăn tạp. Thức ăn bao gồm cả động vật lẫn thực vật. Trong tự nhiên cá ăn thức ăn gồm mùn bã hữu cơ; động vật đáy; ấu trùng côn trùng; cá con, ruốc, tôm nhỏ, cua con; hai mảnh vỏ nhỏ và một số loài rong. Ngoài ra cá còn ăn được thức ăn công nghiệp của tôm.Cá sinh trưởng tốt nhất ở độ mặn 5 – 15%. Sau thời gian nuôi 8 – 10 tháng cá cỏ thể đạt trong lượng trung bình 150-200 g/con.

Cá Nâu có tên khoa học là Scatophagus argus.

Môi trường sống thích hợp

Các yếu tố môi trường thích hợp cho cá nâu sinh trưởng và phát triển tốt ở ngưỡng sau:

– pH : 7 – 8,5 (pH < 5 và pH> 10 sẽ làm cá chậm lớn, gây chết cho cá)

– Độ mặn : 5 – 15%

– Nhiệt độ : thích hợp nhất 20 – 28oC

– Oxy: Ngưỡng oxy cần thiết cho cá tăng trưởng tốt và đạt tỷ lệ sống cao > 4 mg/l. Nếu < 3 mg/l có thể làm cho các đối tượng nuôi chết hàng loạt, bỏ ăn và tăng trưởng chậm.

Lựa chọn ao nuôi

– Diện tích từ: 2.000 – 5.000 m2

– Chất đáy là bùn cát hoặc cát bùn.

– Ao có 1 hoặc 2 cống

– Bờ đê chắc chắn, không bị rò rỉ (đặc biệt quan trọng)

– Nguồn nước sạch không ô nhiễm do chất thải nông, công nghiệp và sinh hoạt. Ao có độ sâu 1,5 – 2m, thuận tiện giao thông.

Thiết kế ao nuôi cá Nâu.

Cải tạo ao nuôi

– Tháo cạn ao nuôi

– Vệ sinh bạt nuôi, phơi nắng 2 – 3 ngày

– Cấp nước mới

– Gây màu nước cho ao nuôi

– Kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo

Lựa chọn và thả giống

Lựa chọn con giống:

Cá giống to khoẻ, hoạt động nhanh, nhìn ngoài màu sắc sáng đẹp, không bị trầy xướt là đủ tiêu chuẩn chọn nuôi, kích cỡ giống cá nâu: kích cở 6 – 8 cm/con. Hiện nay, nguồn giống cá nâu từ thu gom từ tự nhiên nếu cá có kích cỡ nhỏ tốt nhất cần ương tại ao có diện tích nhỏ 1.000m2 để cá đạt kích cở 6 – 8 cm/con và đồng thời thuần giống đảm bảo rồi chuyển sang ao nuôi.

Vận chuyển con giống:

Vận chuyển giống cá nâu bằng phương pháp vận chuyển hở có sục khí hoặc vận chuyển kín bằng túi nilon có bơm oxy. Nên vận chuyển cá vào những ngày trời mát

Mật độ thả giống:

Tùy theo điều kiện ao nuôi, khả năng đầu tư và kinh nghiệm nuôi để xác định mật độ thả nuôi phù hợp. Mật độ thả nuôi trong mô hình 1 con/m2.

Phương pháp thả giống:

Nên thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả ngâm túi cá trong ao từ 10 – 15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó cho nước trong ao từ từ hòa vào túi cá để cá quen với môi trường nước mới, nghiêng miệng bao cho cá từ từ bơi ra ao.

Cho ăn

Dùng thức ăn công nghiệp danh cho tôm độ đạm > 28%, lượng thức ăn trong ngày 10 – 3% trọng lượng thân. Định kỳ 10 ngày trộn thêm vitamin C cho cá ăn, liều lượng 5 g/kg thức ăn và cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.

Cách cho ăn: Ngày 2 lần sáng 7- 8 giờ và chiều 5- 6 giờ. Thức ăn được rải khắp ao. Khi cho cá nâu ăn cần quan sát kỹ tránh không cho ăn thừa hoặc thiếu thức ăn và cần theo dõi để cân đối lượng thức ăn hằng ngày cho phù hợp. Việc cho ăn dư thừa sẽ gây lãng phí đồng thời làm ô nhiễm đáy ao, cho ăn thiếu cá sẽ chậm lớn, phân đàn.

Phương pháp cho ăn hợp lý:

Một số điểm cần chú ý khi cho cá ăn:

Thức ăn phải đảm bảo chất lượng và số lượng. Nên cố định địa điểm, thời gian cho ăn. Tăng lượng thức ăn lên khi ta thấy lượng thức ăn đưa vào được cá ăn hết nhanh hoặc phải giảm lượng thức ăn khi thấy lượng thức ăn còn dư thừa của bữa ăn trước. Cho các đối tượng nuôi ăn nhiều vào ngày thời tiết đẹp và cho cá ăn ít vào ngày thời tiết xấu hoặc trước khi mưa.

Chăm sóc và quản lý

Định kỳ 10 ngày/lần bón bổ sung thêm phân NPK 0,1- 0,2 kg/100m2 ao để tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi.

Định kỳ 7 – 10 ngày/lần thay nước hoặc cấp nước thêm cho ao, lượng nước thay 20 – 30%. Sau khi cấp nước bón vôi Dolomite 0.5 – 1 kg/100m2 để ổn định các yếu tố môi trường giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt trong ao.

Định kỳ 15 ngày/lần kiểm tra các yếu tố môi trường pH, nhiệt độ, độ mặn để có biện pháp điều chỉnh phù hợp tạo môi trường ổn định giúp cá Nâu sinh trưởng và phát triển tốt ở trong ao hoặc khi có biểu hiện khác thường về chất tượng nước hoặc tình trạng cá nuôi cần đo các yếu tố môi trường để có hướng xử lý kịp thời giúp cá phát triển tốt.

Bắt đầu từ tháng nuôi thứ 2 người nuôi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý đáy kết hợp với Zeolite để bón xuống ao nuôi nhằm xử lý các chất thải, thức ăn dư thừa lắng tụ ở đáy ao.

Bón vôi trước và sau khi trời mưa với lượng 0,5 – 1 kg/100m2 ao để ổn định pH nước ao nuôi.

Định kỳ 30 ngày kiểm tra trọng lượng cá nuôi, ước tỷ lệ sống để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu trên 1m , độ trong 25 – 40cm

Thu hoạch

Cá nâu nuôi thời gian khoàng 8 tháng kích cỡ cá thương phẩm đạt 150 – 200 g/con tiến hành thu hoạch để bán.

Có thể áp dụng biện pháp thu tỉa cá nâu khi nuôi khoảng 7 tháng nên thu những con cá vượt đàn và nuôi tiếp để những con cá nhỏ hơn đạt kích cở thu hoạch.

Nên thu vào lúc trời mát, tránh gây ảnh hưởng cá còn lại trong ao. Sau đó xác định lượng cá còn lại trong ao để cho ăn phù hợp.

Nên lựa chọn thời điểm thu hoạch để gía bán cao, mang lại hiệu quá kinh tế cao. Nên thu hoạch cá và giữ cá sống để bán được giá cao.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận