Tắc kè được xem là một dược liệu quý mà nhiều người vẫn quen dùng từ lâu. Ngày nay, tắc kè ngoài thiên nhiên ngày càng giảm sút trầm trọng, do việc khai thác quá mức. Chính vì thế, nhiều bà con nuôi tắc kè để phục vụ thị trường. Tuy nhiên, nuôi tắc kè vẫn là một hình thức nuôi khá mới với nhiều người dân. Nhiều bà con muốn triển khai mô hình nuôi tắc kè làm giàu nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bài viết này sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi tắc kè tại nhà đơn giản, cho năng suất cao.
1. Khái quát về tắc kè
Tắc kè có tên khoa học là Gekko gecko, là một nguồn dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Nhưng hiện nay nguồn tắc kè trong thiên nhiên ngày càng khan hiếm, nên việc phát triển nuôi tắc kè tại hộ gia đình dần trở nên phổ biến. Nhiều hộ chăn nuôi chuyển đổi sang nuôi tắc kè một phần cũng vì kỹ thuật nuôi tắc kè không quá khó.
1.1. Đặc điểm sinh học
Nhìn bên ngoài, tắc kè có hình dáng giống thạch sùng. Cá thể tắc kè trưởng thành có thân dài khoảng 15cm, đuôi dài khoảng 12cm. Tắc kè đực có kích thước lớn hơn con cái.
Đầu tắc kè bẹp ba cạnh, có màu xám nhạt hay xám vàng. Lưng tắc kè màu xám, có nhiều hoa vàng sáng, nhiều nốt sần lớn. Bụng trắng xám. Đuôi tắc kè có 6 – 9 khúc xám xen 6 – 9 khúc vàng hoặc trắng. Đuôi tắc kè tuy dễ đứt nhưng có thể mọc lại được. Mắt tắc kè màu nâu hoặc vàng cam, mí mắt có màng trong suốt, con người cử động dọc.
Đặc biệt tắc kè có thể thay đổi màu sắc tùy thuộc theo màu nền của môi trường sống. Chân tắc kè có năm ngón, các ngón chân có vuốt trừ một ngón không có, tất cả các ngón chân đều có giác bám (nút chân không).
1.2. Tập tính, sinh trưởng của tắc kè
Trong y học cổ truyền, tắc kè có tên là cáp giới. Ở các vùng nông thôn Việt Nam, nhiều gia đình đã nuôi tắc kè, nó sống ở trong các hốc cây, cột nhà hoặc nằm ở dưới các lớp ngói âm dương.
Tắc kè hoạt động kiếm ăn về ban đêm là chủ yếu. Thức ăn của tắc kè là sâu bọ, ruồi, nhện, gián, muỗi và các loài bọ cánh cứng khác. Vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 20ºC thì tắc kè tiến vào thời kỳ ngủ đông. Khi mùa xuân về, thời tiết trở nên ấm áp, tắc kè bước vào giai đoạn tìm bạn tình.
Da tắc kè có nhiều màu óng ánh luôn thay đổi theo môi trường xung quanh, nhằm mục đích ngụy trang để trốn tránh kẻ thù. Nếu bà con bắt được tắc kè mà túm lấy đuôi nó, đuôi nó sẽ đứt lìa giúp cho tắc kè chạy thoát. Cũng giống như con thằn lằn, đứt đuôi là hình thức tự vệ của tắc kè và nó sẽ tự động mọc lại đuôi khác. Tắc kè thuộc loài bò sát nhưng không có nọc độc.
Khi tắc kè được 6 tháng tuổi và nặng khoảng 50g – 60g trở lên thì chúng bắt đầu đẻ trứng. Trứng tắc kè hình thành theo buồng gồm nhiều quả, chúng phát triển dần như buồng trứng của con gà. Khi trứng có lớp vỏ trắng mềm, to như hòn bi thì đẻ.
Mỗi lần tắc kè đẻ từ 2 đến 3 quả, trứng được bao bọc bởi một lớp chất dính để giúp trứng bám chặt vào hốc hoặc thân cây. Vỏ trứng cứng lại dần sau khi đẻ vài tiếng. Tắc kè đẻ liên tục trong nhiều năm. Trứng tắc kè khoảng 3 tháng thì nở. Trong tự nhiên, tắc kè con thường sống chung tổ với bố mẹ, chúng chỉ đi tìm một tổ khác khi tổ cũ đã quá đông các thành viên.
Điều cần chú ý nhất trong kỹ thuật nuôi tắc kè đó chính là yếu tố thời tiết. Ở miền bắc, vào mùa đông tắc kè thường ít giao phối, chúng thường ngủ đông trong tổ nên thường ít sinh sản vào thời điểm này.
Ở miền nam, thời tiết nắng nóng quanh năm rất thuận lợi đối với sự phát triển của tắc kè. Vì chúng thuộc loài có thân nhiệt thấp (thân hàn), lại không có lông nên chúng rất hợp với thời tiết ấm áp. Tắc kè sẽ sinh sản quanh năm nếu được sống ở những vùng có khí hậu ấm áp.
1.3. Công dụng của tắc kè
Trong sách: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi có viết “Thịt tắc kè vị mặn, tính ôn, có tác dụng làm giảm mệt mỏi, cơ thể suy nhược, tráng dương bổ thận, tăng cường sinh lực, trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, chữa nhiều chứng ho khó trị rất hiệu quả, hen suyễn, người già đau lưng, đau khớp…”.
Còn theo nhiều tài liệu y học cổ truyền, thì thịt tắc kè cũng như rượu và thuốc bào chế từ con tắc kè có tác dụng trợ dương, trị ho lâu, ho ra máu, ích âm.
Nhờ vào giá trị dinh dưỡng đáng kinh ngạc, nhiều người đã coi tắc kè là một con vật quý hiếm. Thường xuyên dùng tắc kè để nâng cao sức khỏe, tăng cường sự dẻo dai.
Bên cạnh đó, nhiều kết quả phân tích cho thấy phần thân và đặc biệt là đuôi của tắc kè có chứa nhiều axit amin và các chất béo có tác dụng kích thích sự hoạt động của hệ thần kinh, tăng cường sức khỏe cho con người…
2. Kỹ thuật nuôi tắc kè
Tắc kè vốn thích sống ở một hang hoặc tổ quen thuộc trên thân cây. Nó không thích rời chỗ ở cũ chuyển đến nơi ở khác, do đó để nuôi tắc kè công nghiệp theo hướng nhốt chuồng bà con nên thực hiện theo hướng dẫn nuôi tắc kè sau đây:
2.1. Kỹ thuật làm chuồng nuôi tắc kè thương phẩm
2.1.1. Nguyên vật liệu làm chuồng
Gạch, cát, gỗ, xi măng, lưới inox hoặc lưới sắt, ống tre nứa, thân cây gỗ, vải tối màu, ke sắt, đinh.
2.1.2. Kích thước chuồng
Chiều cao cố định của chuông: 2m đến 2,2m, chiều rộng trong khoảng: 1,2m đến 1,5m. Chiều dài chuồng phụ thuộc vào diện tích của từng hộ gia đình và số lượng tắc kè nuôi, nên làm chiều dài tối thiểu 3m tối đa 10m. Cứ 1m2 nền thì nuôi khoảng 20 con tắc kè thịt hoặc bố mẹ. Còn tắc kè con thi có thể nuôi đến 30 con.
2.1.3. Làm chuồng nuôi tắc kè
Vách chuồng nên xây dựng tường gạch thô để giữ ấm cho tắc kè vào mùa đông, và giữ ẩm vào mùa hè, 2 hoặc 3 mặt còn lại có thể giăng lưới bao quanh.
Phía trên tường ba con quây bằng lưới inox hoặc lưới sắt, đường kính mắt lưới 0,3cm. Làm khe hở sát nền dài 20cm – cao 1cm, để phân tắc kè thoát ra khi rửa chuồng, và đảm bảo tắc kè con không chui ra ngoài được.
Sau khi rửa chuồng xong, bà con đặt vài viên gạch che kín các khe hở đó lại để tránh các tác động từ bên ngoài.
Bên trong chuồng nuôi bà con treo dọc các ống tre nứa loại to thông hai đầu để cho tắc kè chui rúc và đẻ trứng. Ống tre nên treo phía trên cao, tầng trên treo so le với tầng dưới để tránh phân rơi vào các ống tre phía dưới.
2.1.4. Làm bọng tổ nuôi tắc kè
Bọng tổ này được thiết kế mô phỏng theo nơi thường ở của tắc kè trong tự nhiên, giúp tắc kè dễ dàng thích nghi với môi trường nuôi nhốt.
Bên trong chuồng nuôi bà con treo dọc các ống tre nứa loại to thông hai đầu để cho tắc kè chui rúc và đẻ trứng. Ống tre nên treo phía trên cao, tầng trên treo so le với tầng dưới để tránh phân rơi vào các ống tre phía dưới.
Vào mùa hè bà con đóng đinh, căng vải mỏng tối màu, màu xanh lá cây cao khoảng 50 – 60cm chạy theo chiều ngang phía trên cao cách tường 3cm. Việc này tạo độ tối đảm bảo cho tập tính ưa bóng tối của tắc kè. Mặt khác, những tấm vải này cũng rất có ích trong việc giữ ẩm và tạo độ mát mẻ cho chúng vào những ngày thời tiết nóng nực hoặc hanh khô.
Vào mùa đông bà con quây kín toàn bộ phía bên ngoài chuồng nuôi bằng bạt để giữ ấm cho chúng. Nên dùng các hộp xốp, carton khoét lỗ đặt vào trong chuồng, cho thêm chăn ấm vào trong khe cho chúng ẩn nấp tránh được cái giá rét của mùa đông miền Bắc.
Kỹ thuật nuôi tắc kè trong chuồng nhìn chung không quá phức tạp. Bà con nên cho thêm các cây gỗ rỗng loại to, cây xanh nhiều lá vào chuồng cho tắc kè trèo leo bắt mồi tạo môi trường giống như ngoài thiên nhiên cho chúng.
Ngoài ra trong quá trình nuôi tắc kè, để xử lý mùi hôi chuồng trại, bà con nên sử dụng chế phẩm sinh học EM VBio bằng cách: Pha 1 lít chế phẩm EM thứ cấp với 10 lít nước sạch, phun đều vào nơi ô nhiễm có mùi hôi thối, lặp lại 2-3 ngày/lần.
2.2. Nuôi tắc kè cho ăn gì?
Thức ăn là một trong những điều cần chú ý trong kỹ thuật nuôi tắc kè. Thức ăn yêu thích của tắc kè là các loại côn trùng còn sống như: dế mèn Thái, gián, trùn quế, mối, châu chấu, sâu, nhện… hoặc thằn lằn loại nhỏ. Ngoài ra, chúng có thể ăn thêm các loại cá biển, tôm nõn khô…
Việc lựa chọn thức ăn cho tắc kè vô cùng quan trọng. Mặc dù tắc kè có thể ăn hầu hết các loài côn trùng kể trên, nhưng bà con nên hạn chế cho tắc kè ăn các loại côn trùng như sâu, bươm bướm, gián, nhện, bọ xít… Vì các loại côn trùng này thường mang nhiều mầm bệnh, dễ lây bệnh cho tắc kè, đặc biệt là bệnh nhiễm sán ở tắc kè.
Nên cho tắc kè ăn thêm các loại côn trùng nhiều dinh dưỡng và sạch. Các chuyên gia khuyến khích bà con cho tắc kè ăn dế mèn. Bởi đó là côn trùng sạch nhất và dễ nuôi cũng như dễ tìm. Tiếp đến là cho tắc kè ăn thằn lằn nhỏ.
Nên cho tắc kè ăn côn trùng còn sống sẽ có nhiều dinh dưỡng hơn. Tắc kè có thể nhịn đói lên đến 2 tuần, nên ít khi chết do thiếu thức ăn, nhưng chúng sẽ ốm đi và kém phát triển nếu không được cho ăn đầy đủ.
Buổi tối là thời gian kiếm ăn của tắc kè theo tập tính tự nhiên. Do đó tầm 6 giờ chiều thì bà con có thể thả dế vào chuồng cho tắc kè ăn.
2.3. Nước uống cho tắc kè
Một trong những điều cần chú ý nhất trong kỹ thuật nuôi tắc kè đó chính là việc cung cấp nước cho tắc kè. Trong tự nhiên, tắc kè thường uống sương trên lá vào buổi sáng sớm, hoặc uống trực tiếp nước mưa khi trời mưa. Vì vậy bà con cũng nên cung cấp hai nguồn nước theo hai khía cạnh này. Phương pháp tốt nhất là phun nước.
Bà con có thể sử dụng hệ thống phun nước hoặc bình xịt nước. Hệ thống phun nước đương nhiên cho hiệu quả tốt nhất. Bởi nó có thể mô phỏng mưa trong một thời gian dài và có thể làm mát tắc kè khi thời tiết nóng. Hệ thống phun nước hoàn toàn tự động, vì vậy giá cả khá đắt.
Mặc dù tưới nước thủ công đòi hỏi nhiều thời gian, và công sức, nhưng đây là phương pháp rẻ nhất, và cho hiệu quả không kém so với hệ thống phun nước. Phun nước ít nhất hai lần một ngày, mỗi lần kéo dài ít nhất 3 phút. Tốt nhất bà con nên sử dụng nước ấm.
Trong quá trình phun nước, cố gắng tránh phun trực tiếp vào tắc kè (đặc biệt là phần mắt). Phun nước vào buổi sáng là quan trọng nhất. Tắc kè thích uống nước vào buổi sáng.
Tiến hành phun nước vào buổi tối, nhằm bổ sung lượng nước bị mất vào buổi trưa, đồng thời làm tăng độ ẩm và nhiệt độ vào ban đêm. Vào mùa hè khi thời tiết nóng nực và khi thời tiết khô vào mùa đông, bà con xịt nước thêm một hoặc hai lần.
3. Phân biệt tắc kè đực, cái
Để phân biệt tắc kè đực, cái, bà con cầm con tắc kè ngửa bụng, giữ cho tư thế nằm yên và thẳng, xem các dấu hiệu sau:
- Gốc đuôi con đực phồng to, lỗ huyệt lồi có gờ cao. Còn gốc đuôi con cái thon, lỗ huyệt lép hơn.
- Dưới lỗ huyệt tắc kè có hai chấm gọi là chấm dưới huyệt. Ở con đực chấm dưới huyệt to như hạt gạo, lồi và rất đen, còn con cái thì mờ và lép.
- Dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái bóp vào chỗ phồng to ở gốc đuôi, nếu là con đực thì có gai giao cấu lòi ra màu đỏ thẫm, ở con cái không có.
- Ở mặt trong đùi tắc kè đực có một hàng lỗ tạo thành hình chữ V ngược gọi là hàng lỗ trước huyệt, ở con cái không nổi rõ.
4. Cách nuôi tắc kè sinh sản
Vào mỗi độ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, tắc kè sẽ bắt đầu thời gian sinh sản. Mỗi mùa sinh sản, một con tắc kè có thể đẻ từ 6 – 8 trứng, và chúng đẻ liên tục trong vòng nhiều năm. Bà con nên ghép theo tỷ lệ 1 đực và 4 cái trong một chuồng để tỷ lệ nở thành công và thu được tắc kè con chất lượng.
Sau khi sinh sản xong thì bà con nên tách đàn để chúng được sống thoải mái, rộng rãi, không bị chật hẹp.
5. Thu hoạch tắc kè
Sau khi nở, tắc kè sẽ trưởng thành hoàn toàn trong vòng 12 tháng. Và lúc này bà con có thể thu hoạch được. Đầu tiên, bà con tách những con tắc kè trưởng thành và tắc kè con để làm thịt.
Tắc kè sau khi bắt sẽ được đem đi mổ bụng, loại bỏ hết nội tạng. Sau đó dùng que căng rộng phần thân tắc kè ra để phơi nắng hoặc mang đi sấy khô. Một số cơ sở chế biến sẵn tắc kè thành phẩm bằng cách tán tắc kè khô thành bột và trộn cùng với mật ong để ăn, bồi bổ sức khỏe.
Ngoài ra, trường hợp tắc kè tươi thì bà con cần chế biến ngay, làm sạch, chặt khúc ướp gia vị và nấu cháo.
6. Nguyên nhân khiến tắc kè khó lột da
6.1. Kỹ thuật nuôi tắc kè sai khiến chúng bị thiếu hụt Vitamin
Nguyên nhân căn bản chính là bà con cho ăn nhưng không chú ý đến dinh dưỡng trong thời gian dài, dẫn đến tắc kè bị suy dinh dưỡng. Tắc kè thích ăn các loại thức ăn sống.
Ví dụ như các loại sâu bột hoặc là dế mèn. Nhưng chủ nuôi thường xuyên không để tâm đến những loại thức ăn sống này, mà chỉ cho chúng ăn các loại cám lúa mạch.
Điều này sẽ khiến cho tắc kè là loài vốn chỉ ăn thức ăn sống không nhận được lượng Vitamin cần thiết. Hơn nữa tắc kè là loài ăn tạp, một số loại thức ăn khác như quả ngọt và côn trùng nhỏ đều là nguồn thức ăn không thể thiếu của chúng.
6.2. Do nuôi tắc kè với nhiệt độ quá cao
Nhiệt độ vốn là yếu tố nhạy cảm trong kỹ thuật nuôi tắc kè. Rất nhiều chủ nuôi tắc kè bất kể là nuôi con non hay cá thể trưởng thành thường gặp khó khăn vào mùa hè.
Khi nhiệt độ cao tới ngưỡng 30°C, hoạt động của tắc kè sẽ trở nên chậm chạp. Chúng thích nằm bò dưới đáy chuồng. Khi thấy tắc kè thường xuyên nằm bò dưới đáy chuồng thì bà con phải đặc biệt chú ý.
Nếu tắc kè thường xuyên có trạng thái như vậy, thì ít hay nhiều cũng sẽ xuất hiện các vấn đề. Hoặc là bạn phát hiện lông mi của tắc kè cụp xuống, biểu cảm của tắc kè thường xuyên không thoải mái, không bình thường rồi.
Lúc này thường sẽ kèm theo các biểu hiện như chán ăn, tuyệt thực, lột da khó khăn… Vì thế, vào mùa hè hãy đảm bảo chắc chắn rằng môi trường sống của tắc kè trong vòng 30°C . Đừng để quá 35°C, như vậy sẽ nguy hiểm đến tắc kè.
6.3. Chuồng nuôi có độ ẩm cao
Để tắc kè phát triển khỏe mạnh chuồng nuôi tắc kè phải có độ ẩm 60% trở lên và cẩn phải thông thoáng. Rất nhiều người nuôi sau khi nuôi dưỡng một thời gian, cảm thấy tắc kè khỏe mạnh liền giảm tần suất phun nước xuống. Như vậy thường sẽ rất nguy hiểm. Tắc kè cần được phun nước ít nhất 2 lần/ngày. Sau khi phun nước thì không được tích nước trong chuồng nuôi mà phải duy trì độ thông thoáng.
Độ ẩm là một trong những yếu tố cần được chú ý trong kỹ thuật nuôi tắc kè. Khi độ ẩm môi trường trong chuồng nuôi khoảng 90% – 100% trong một thời gian dài, thì tắc kè sẽ trở nên cực kỳ yếu ớt, các vấn đề về da sẽ lần lượt xảy ra.
6.4. Tắc kè bị bệnh MBD tổng hợp
Tắc kè đặc biệt là tắc kè cái có nhu cầu canxi rất cao. Canxi là một trong những yếu tố cần phải lưu ý trong kỹ thuật nuôi tắc kè. Vì vậy mỗi khi cho ăn bà con nên cho thêm một ít bột canxi vào trong thức ăn (bất luận là quả hay thức ăn sống).
Khi một con tắc kè thiếu canxi giai đoạn đầu, nó sẽ thường xuyên cảm thấy khó khăn khi ngẩng đầu, xương phần cổ cũng biểu hiện có góc gập lại. Ví dụ như tắc kè có thể nằm sấp phần đầu và thân tạo thành góc 90°, kiểu như vậy thì thường đã là giai đoạn thiếu canxi nghiêm trọng.
Mặc dù không có cách nào hồi phục lại hình dáng trước đây cho tắc kè, nhưng có thể giữ lại mạng sống cho nó. Tắc kè khi mắc chứng MBD sẽ vô cùng đau đớn. Chúng không có cách nào hấp thụ Silica, lột da khó khăn, dáng đi kỳ quái, cơ thể run rẩy, tính cách phân liệt, cuối cùng mở miệng mà chết.
6.5. Kỹ thuật nuôi tắc kè sai khiến chúng gầy ốm khó lột da
Một con tắc kè khỏe mạnh bình thường dù sắp trưởng thành hay trưởng thành thì sẽ đều có bụng tròn xoe mập mạp. Khi hình dáng cơ thể của tắc kè thon dài lộ rõ xương sườn thì có thể thấy được rằng chúng đang trong trạng thái gầy ốm. Khả năng lớn là chúng sẽ không tự mình lột da được. Chủ nuôi phải tự phân tích tìm ra nguyên nhân. Nhưng đa số là biểu hiện của suy dinh dưỡng.
6.6. Làm thế nào khi tắc kè lột da khó khăn?
Khi tắc kè trong thời gian lột da thì phần lớn chúng sẽ tuyệt thực. Người nuôi tắc kè rất đau đầu về vấn đề này. Khi lột da khó khăn cục bộ thì bà con có thể phun nước, khoảng 10 phút sau thì dùng tăm bông chà sát nhẹ hoặc dùng nhíp nhỏ nhẹ nhàng gắp da ra. Trường hợp một mảng da lớn không thể tự lột thì cần phải xé rách bằng tay. Sau khi lột da xong tắc kè thường sẽ tiếp tục tuyệt thực.
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật nuôi tắc kè, mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bà con. Hiện nay, tắc kè không chỉ được nuôi lấy thịt, nhiều người còn có thú vui nuôi tắc kè hoa làm cảnh, cách nuôi tắc kè hoa làm cảnh cũng không khác so với nuôi lấy thịt, mọi người cũng có thể áp dụng thử. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bà con trong quá trình chăn nuôi tắc kè thương phẩm, thu về hiệu quả kinh tế cao.