Chia sẻ kỹ thuật nuôi bò vàng nhốt chuồng đem lại lợi nhuận cao

0
6

Trước đây, người dân chăn nuôi bò chủ yếu theo hình thức chăn thả tự nhiên với mục đích phục vụ cày kéo. Tuy nhiên, trước diện tích đồng cỏ chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, đồng thời tình hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được đẩy mạnh thì người nông dân càng nhắm đến mục đích chăn nuôi để phát triển kinh tế nhiều hơn. Do đó mà các trang trại chăn nuôi bò vàng quy mô lớn đã dần xuất hiện. Vậy kỹ thuật nuôi bò vàng nhốt chuồng như thế nào là hiệu quả nhất, nếu chưa biết thì hãy cùng khám phá điều đó ngay trong bài viết sau đây bà con nhé!

1. Đặc điểm bò vàng Việt Nam

Bò vàng Việt Nam có nguồn gốc từ nhiều giống bò từ các nước lân cận như Lào, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc,… trong đó nhiều nhất là giống bò của Trung Quốc và Ấn Độ. Trải qua nhiều đời lai tạo của nhiều giống bò đã hình thành nên giống bò vàng Việt Nam. Hiện nay, giống bò này đã được thuần hóa và nuôi ở nhiều vùng miền khác nhau ở nước ta như Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu,…

Ngoại hình giống bò vàng

Đặc điểm ngoại hình của bò vàng Việt Nam là bộ lông màu vàng, da mỏng, lông mịn. Tầm vóc của bò vàng nước ta khá nhỏ bé, đối với con cái khoảng từ 160 đến 200kg và phía trước thấp hậu cao, còn với bò đực từ 250 đến 300kg và phía trước cao hậu thấp. Nhìn chung, thân hình của giống bò này khá cân đối.

Để nhận biết bò vàng Việt Nam cũng không quá khó khăn, đối với bò cái có đầu thanh hơn bò đực, sừng nhỏ, ngắn, trán phẳng hay hơi lõm. Còn với bò đực có mõm ngắn, tĩnh mạch cổ nổi rõ, mắt to lanh lẹ. Đối với cổ bò cái thì thanh và có nhiều nếp nhăn nhỏ, yếm bên dưới có thể kéo dài từ hầu đến vú còn bò đực thì to và dày.

Ưu điểm giống bò vàng

  • Bò vàng Việt Nam đặc điểm là chịu được điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, thích nghi được với nhiều điều kiện và phương pháp chăn nuôi khác nhau, không cần quá nhiều vốn đầu tư.
  • Giống bò này nhanh thành thục và mắn đẻ.
  • Có thể tận dụng sức của bò vàng để cày kéo.

Tuy có nhiều ưu điểm là thế, song bò vàng ở nước ta cũng có nhược điểm đó là không đáp ứng được yêu cầu chăn nuôi thâm canh và đem lại hiệu quả kinh tế thấp, sinh trưởng chậm. Về năng suất thịt và sữa so với những giống bò ngoại khác không cao bà cong.

2. Kỹ thuật nuôi bò vàng nhốt chuồng

2.1. Ưu điểm của việc nuôi bò vàng nhốt chuồng

Thay vì nuôi bò theo hình thức thả ngoài bãi chăn, thì nuôi bò nhốt chuồng giúp bà con nông dân giảm bớt được sức lao động khá nhiều, đồng thời cũng đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế bệnh dịch lây lan hiệu quả. Kỹ thuật nuôi bò vàng nhốt chuồng giúp bà con tập trung phân bò dễ dàng, tận dụng để ủ làm phân bón cho cây trồng. Bên cạnh đó, bà con cũng có thể quản lý, theo dõi đàn bò của mình hiệu quả, chủ động trong việc phối giống hay tiêm phòng dịch bệnh cho đàn bò.

2.2. Kỹ thuật nuôi bò vàng nhốt chuồng

Đối với người nông dân ở Việt Nam thì hình thức nuôi nhốt chuồng hiện nay không còn là hình thức gì đó quá xa lại. Tuy nhiên muốn phát huy được hiệu quả, thì đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm được đầy đủ kỹ thuật, từ khâu chăm sóc nuôi dưỡng cho đến công tác thú y, để phòng những thiệt hại không đáng có. Dưới đây là một số kỹ thuật quan trọng nhất trong chăn nuôi bò vàng hình thức nhốt chuồng.

Chuẩn bị chuồng nuôi

Cách nuôi bò vàng năng suất cao đó là khâu chuẩn bị chuồng nuôi rất quan trọng. Dựa vào số lượng đàn bò và quy mô chăn nuôi của bà con theo dạng hộ gia đình hay trang trại mà xây dựng chuồng nuôi ra sao. Khi nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng thì bò sẽ được chăm sóc tại chuồng, vậy nên yêu cầu phần nền, mái, hàng rào chắn xung quanh, máng ăn, máng uống, hố chứa phân phải đảm bảo đầy đủ. Ngoài ra còn cần những yêu cầu sau:

  • Diện tích chuồng nuôi bò trung bình cứ 2 đến 4 mét vuông cho một con bò.
  • Cần xây dựng chuồng nuôi bò ở nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
  • Khoảng cách từ chuồng bò đến nơi sinh sống của gia đình phải đảm bảo tối thiểu 4 mét. Hướng chuồng nuôi tốt nhất là hướng Nam hay Đông Nam.
  • Nền chuồng nuôi có thể lát gạch hay bê tông đều được, song phải cần được dọn dẹp vệ sinh thường xuyên. Độ dốc của nền chuồng bò nên đạt từ 2 đến 3% và có rãnh thoát về phía sau.
  • Mái chuồng phải được lớp tôn và phương pháp lợp kiểu hở, để tăng độ sáng và tránh tình trạng gió lùa.
  • Chuồng trại nên chia làm nhiều khu vực nếu như ngoài bò vàng bà con còn nuôi thêm các loại bò khác nhữ bò sữa,… Khi phân chia khu vực sẽ giúp việc quản lý số lượng được dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp quá trình cho ăn được diễn ra thuận lợi hơn.
  • Hành lang chuồng trại được bố trí máng ăn, máng uống đầy đủ. Kích thước của máng ăn thích hợp từ 60cm x 120cm, chiều cao phía sau khoảng 80cm, chiều cao phía trước khoảng 50cm, trong lòng máng có hình lòng mo. Đối với máng uống nên có kích thước 60cm x 60cm x 40cm tương ứng chiều dài x chiều rộng x chiều sâu.
  • Rãnh thoát nước thải yêu cầu phải rộng tối thiểu 30cm, sâu 30cm, độ dốc thích hợp từ 5 đến 8%.
  • Bố trí thêm hố ủ phân hay hầm biogas ngoài chuồng nuôi. Hệ thống rèm che cách bò từ 1 đến 1.5 mét. Tốt nhất hãy trồng thêm cây xanh để giúp chống nóng cho bò vào mùa hè.
  • Chuồng bò có thể ngăn thành các ô rộng, mỗi ô nuôi khoảng từ 5 đến 7 con. Hoặc bà con có thể dùng ống kẽm hàng cũi để nhốt riêng từng con.

Khâu chọn giống

Một trong những yếu tố giúp mang lại hiệu quả nuôi bò vàng Việt Nam đạt năng suất cao đó là ở khâu chọn giống, bởi nó sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng thịt và giá thành về sau. Đối với giống bò vàng Việt Nam bà con nên chọn con có bộ xương to, lông nhuyễn, bụng thon, dài đòn, hai đùi sau to, dịch hoàn to không lộ rõ, đầu to, răng nhỏ và thấp, không kén ăn.

Khi chọn mua bò trưởng thành, bà con nên ưu tiên những con giống có bộ khung khỏe mạnh. Bởi loại bò này có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, chỉ cần thời gian 2 tháng là có thể vỗ béo được. Ngoài ra bà con cũng nên tránh chọn con giống quá già, ưu tiên các con giống có thể lực tốt, dễ thích nghi với điều kiện thời tiết khô hạn.

Một số lưu ý khác khi chọn giống bò vàng là:

  • Chọn những con có thể chất khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, lông bóng mượt và da mềm.
  • Đầu cổ bò phải linh hoạt, mặt ngắn, trán rộng, mắt sát, mõm bẹ bộ răng còn tốt.
  • Phần lưng dài, thẳng, ngực sâu, rộng bụng tròn gọn.
  • Mông nở, đuôi dài, gốc đuôi lớn.
  • Chân thẳng, bước đi vững vàng, móng khít.
  • Yếm rộng, bao da rốn phát triển.

Khâu chăm sóc

Khác với kỹ thuật chăn nuôi bò vàng thả ngoài bãi như kiểu truyền thống trước đây, kỹ thuật nuôi bò vàng nhốt chuồng đơn giản hơn rất nhiều. Bà con không cần phải tốn nhiều công chăm sóc mà vẫn đạt được hiệu quả đúng như ý muốn.

Khi chăm sóc, nuôi dưỡng bò vàng vỗ béo thì bà con cần chú ý đến loại thức ăn và cách thức cho bò ăn. Loại thức ăn chủ yếu là thức ăn xanh bởi đây là nguồn thức ăn vô cùng quan trọng đối với bò trong giai đoạn vỗ béo. Mặc dù hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn xanh không quá cao, song khi ăn thức ăn thô xanh thì bò sẽ không bị chướng hơi khi đã ăn quá nhiều thức ăn tinh trong quá trình vỗ béo. Bà con chỉ cần cung cấp lượng ăn thô chất lượng và được băm nhỏ để cho bò ăn tự do cả ngày là được.

Đối với loại thức ăn xanh là cỏ tươi thì sau khi cắt về bà con nên rửa cho sạch rồi mang ra ngoài nắng phơi cho tái rồi hãy cho bò ăn. Làm cách này sẽ giúp cho thức ăn được loại sạch mầm bệnh, hạn chế tình trạng chướng hơi, dạ cỏ, ngộ độc ở bò. Còn với các phụ phẩm như thân lá cây ngô, bẹ ngô thì bà con có thể băm nhỏ rồi cho bò ăn trực tiếp.

Kỹ thuật chăn nuôi bò vàng đảm bảo chất lượng, mang lại kinh tế cao đó là không nên cho bò ăn quá nhiều cây họ đậu như dây lạc, đỗ,… Trong một bữa bà con chỉ cần cho bò ăn khoảng 1/3 khẩu phần thức ăn hay dưới 10kg một bữa là được. Ngoài ra, bà con cũng nên có thêm diện tích để trồng cỏ, chọn loại cây cỏ dễ trồng, sinh trưởng và phát triển nhanh như Va06, Ruzi, cỏ sữa,… để phục vụ quá trình chăn nuôi diễn ra thuận tiện hơn.

Thức ăn cho bò vàng

Nguồn thức ăn của bò vàng chủ yếu là rơm rạ, cỏ khô, thức ăn xanh thô, củ quả. Bên cạnh đó bà con cũng có thể cho chúng ăn các loại thức ăn ủ chua, rơm đã được kiểm hóa các loại thức ăn tinh chế. Để vỗ béo cho bò thịt bà con có thể bổ sung thêm loại thức ăn tinh và các phụ phẩm như cám, bống rượu. Thời gian vỗ béo thông thường sẽ kéo dài từ 2 đến 2.5 tháng, tuy là thời gian ngắn nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến trọng lượng của bò.

Ngoài thức ăn thô xanh thì bà con cũng phải cho bò vàng ăn đủ thức ăn tinh như bột bắp, cám gạo, bột mì, thức ăn giàu protein, giàu đạm,… để nâng cao hiệu quả quá trình vỗ béo. Chưa hết, bà con nông dân cũng có thể dùng phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp, cây mía,… để chế biến thành thức ăn, ủ chua để cho bò ăn dần, phục vụ tốt thời điểm mùa khô lượng thức ăn thô xanh thiếu.

Khẩu phần thức ăn cho bò vàng như sau:

  • Thức ăn thô xanh: Bao gồm cỏ băm nhỏ, thức ăn được băm nhỏ ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp băm nhỏ, phụ phẩm công nghiệp như bã bia, rượu, rỉ mật,… Đối với loại thức ăn này cần 55 đến 60% trong khẩu phần ăn của bò.
  • Thức ăn tinh tổng hợp: Gồm các loại như sắn nghiền nhỏ, ngô bắp nghiền, khô dầu lạc,… Thông thường, thức ăn tinh tổng hợp chiếm khoảng 40 đến 45% trong khẩu phần ăn của bò.

2.3. Vỗ béo cho bò vàng

Nếu bò gầy thì trước khi xuất chuồng khoảng 2 tháng hãy áp dụng phương pháp vỗ béo để tăng lợi nhuận. Theo đó, trong suốt thời gian vỗ béo bò cần được nuôi nhốt hoàn toàn và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ. Giai đoạn vỗ béo quan trọng nhất là phải dùng lượng thức ăn tinh sao cho hợp lý, kết hợp với đó là thức ăn thô xanh và phụ phẩm khác. Chưa hết, bà con cũng nên đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của bò để bò tích lũy được lượng thịt càng nhiều càng tốt. Để giúp đàn vật nuôi của bà con nhanh lớn, chống lại bệnh tật thì bà con nên sử dụng men ủ thức ăn chăn nuôi VBio.

Kỹ thuật nuôi bò vàng nhanh béo mà bà con cần nhớ đó là:

  • Phải tẩy giun sán đầy đủ trong quá trình vỗ béo cho bò.
  • Nuôi nhốt chuồng hoàn toàn trong thời gian vỗ béo.
  • Cứ mỗi ngày cho bò ăn từ 8 đến 10kg/con thức ăn thô xanh, 3.5kg thức ăn tinh và nên chia nhỏ từ 4 đến 5 bữa ăn trong ngày.
  • Đối với thức ăn tinh bà con nên trộn theo công thức 44kg bột sắn, 50% bột sắn, 3% urê, 1% muối, 2% bột xương. Hoặc có thể trộn theo công thức 70% bột sắn, 22% cám gạo, 3% urê, 1% muối và 2% bột xương để cho bò ăn.

Một kỹ thuật chăn nuôi bò vàng cũng rất quan trọng là bà con phải đảm bảo nước trong máng uống phải luôn sạch sẽ trong thời gian vỗ béo. Mỗi ngày nên bổ sung thêm 20 đến 30g muối ăn vào nước. Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý như đã chia sẻ ở trên thì bà con cũng nên theo dõi, quản lý, chăm sóc bò trong quá trình nuôi vỗ béo bò cẩn thận. Nên cân lượng thức ăn cho bò trước mỗi ngày và cân thức ăn thừa vào sáng hôm sau. Nên ghi chép đầy đủ trong sổ theo dõi để nắm rõ tình trạng sức khỏe, khối lượng và mức tiêu tốn thức ăn của bò để từ đó kịp thời điều chỉnh cho thích hợp.

3. Phòng bệnh cho bò vàng

Đặc điểm của bò vàng Việt Nam là sức đề kháng tốt, cũng ít dịch bệnh hơn so với những loại gia súc khác. Song điều đó không có nghĩa là bò vàng sẽ không bị dịch bệnh, nếu không phòng ngừa kịp thời nó sẽ gây thiệt hại lớn cho hoạt động chăn nuôi của gia đình, trang trại.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của các trạm thú y, thì người chăn nuôi bò cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Theo các chuyên gia thì để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, bà con cần ý thức được việc phòng chống bệnh cho vật nuôi bằng cách tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại cẩn thận.

  • Định kỳ phải sát khuẩn chuồng nuôi bò bằng Bencozid, Cloramin 3- 5%.
  • Sau mỗi đợt nuôi bà con nên khoan hãy thả đàn giống mới mà nên dùng nước vôi 20% quét lại toàn bộ khu vực chuồng nuôi. Đợi 1 tuần sau hãy thả đàn bò mới vào.
  • Cung cấp thức ăn cho đàn bò theo tiêu chuẩn từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của đàn bò.
  • Nước uống cho đàn bò yêu cầu phải sạch và đủ.

Định kỳ bà con cũng nên phòng bệnh cho đàn bò với những lưu ý như sau:

  • Tiêm vắc xin bắt buộc định kỳ 2 lần trong năm.
  • Nếu là bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng thì tiêm mũi đầu vào tháng 2 đến tháng 3, sau 6 tháng sẽ tiêm lại lần 2.
  • Nếu bệnh sán lá gan thì phải sử dụng Dertyl B Fascioranida hoặc Nitrolin để tẩy giun sán. Ngoài ra bà con cũng có thể tiêm dưới da 1 ml/25kg thể trọng cho bò.
  • Đối với bệnh ghẻ rận bà con nên dùng thuốc BKA để điều trị.

Để phòng bệnh cho bò vàng bà con cần thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bò bị mắc bệnh, qua đó kịp thời điều trị. Một số dấu hiệu để nhận biết sức khỏe của bò tốt như mũi ướt, tai, mắt linh hoạt, da bóng, ăn nhiều. Còn nếu bỗng dưng bò giảm ăn, giảm nhai lại thì có thể là sức khỏe của bò đang gặp vấn đề.

Sự thay đổi thất thường của thời tiết có thể cũng sẽ dẫn đến bệnh tật ở bò vàng. Chẳng hạn như cho bò ăn uống không đúng vệ sinh thì chúng có thể bị chướng hơi dạ cỏ. Nếu xảy ra tình trạng này bà con phải lấy quả bồ kết xông hơi rồi đưa vào mũi bò để bò hắt xì. Hoặc chúng ta cũng có thể dùng loại thảo dược như gừng tỏi xoa vào vùng hõm hông vào bên trái của bò. Còn nếu bò không thể hắt hơi, thoát hơi được chúng ta kéo lưỡi bò và cho chúng uống ít rượu được pha với tỏi, gừng, khi đó sẽ giúp kích thích nhu động dạ cỏ và bò ợ hơi để thoát ra ngoài.

Ngoài ra, khi bò bị mắc bệnh ký sinh trùng như sán lá gan thì bà con có thể dễ dàng nhận biết khi bò bị tiêu chảy đi kèm với hiện tượng lông xù, vầng mắt có dử. Khi phát hiện ra vấn đề này bà còn cần điều trị sớm để tránh mối nguy hiểm đến đàn vật nuôi.

Trên đây đã chia sẻ tới bà con kỹ thuật nuôi bò vàng nhốt chuồng. Áp dụng theo đúng hướng dẫn trên đây, chắc chắn bà con sẽ đảm bảo mô hình chăn nuôi của mình đạt hiệu quả cao, mang lại giá trị kinh tế lớn. Còn nếu muốn học hỏi thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi bà con đừng quên ghé thăm Website của chúng tôi, luôn có những bài viết chia sẻ quý báu dành cho bà con nông dân.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận